Nợ đọng xây dựng cơ bản không những không giảm mà còn có xu hướng tăng trong những năm gần đây, Uỷ ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội nhận xét khi thẩm tra về kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 – 2020.
Kế hoạch này vừa được trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến ngày 7/3 nhưng chưa đủ điều kiện để trình Quốc hội xem xét.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh cho biết, tổng vốn đầu tư toàn xã hội giai đoạn 2011 - 2015 ước huy động đạt 5.617.1 nghìn tỷ đồng. Tỷ lệ huy động vốn đầu tư toàn xã hội so với GDP bình quân 5 năm đạt 31,7%, thấp hơn kế hoạch đề ra là 33,5 - 35%.
Đánh giá tổng thể, Bộ trưởng Vinh nêu, đầu tư phát triển trong giai đoạn qua đã góp phần làm thay đổi diện mạo đất nước, tạo điều kiện phát triển kinh tế xã hội, xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng tương đối đồng bộ, một số hiện đại, nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo nền tảng phát triển đất nước lâu dài.
Theo Bộ trưởng thì tình trạng nợ đọng xây dựng cơ bản từng bước được khống chế, số nợ đọng xây dựng cơ bản giảm so với giai đoạn trước. Việc ứng trước vốn kế hoạch được quản lý chặt chẽ, chỉ ứng trước trong trường hợp thật sự cần thiết và phải xác định được khả năng hoàn trả theo kế hoạch trung hạn và hằng năm được duyệt.
Tuy nhiên, một trong những vấn đề được cơ quan thẩm tra lưu ý là trật tự ưu tiên bố trí vốn chưa đảm bảo, còn dài trải, thiếu tập trung, chưa ưu tiên bố trí vốn xử lý nợ đọng xây dựng cơ bản, hoàn trả vốn ứng trước.
Qua khảo sát ở một số địa phương, Uỷ ban Tài chính - Ngân sách nhận thấy, nợ đọng xây dựng cơ bản, nợ vốn ứng trước nguồn ngân sách Trung ương còn ở mức cao, số liệu thiếu thống nhất, chưa được tập hợp đầy đủ theo các cấp ngân sách, Chủ nhiệm Phùng Quốc Hiển nhấn mạnh khi báo cáo Uỷ ban Thường vụ Quốc hội.
Để làm rõ hơn nhận xét này, báo cáo thẩm tra nhắc lại ba chỉ thị của Thủ tướng từ các năm 2012 - 2015 yêu cầu ngay từ năm 2013 cần ưu tiên bố trí vốn để xử lý nợ đọng xây dựng cơ bản, bảo đảm đến hết năm 2015 phải hoàn thành việc xử lý nợ đọng xây dựng cơ bản.
Tuy nhiên, theo báo cáo, đến thời điểm 31/12/2014, nợ đọng xây dựng cơ bản và vốn ứng trước nguồn ngân sách nhà nước và trái phiếu chính phủ vẫn ở mức cao, khoảng 86.995,603 tỷ đồng, không những không giảm mà còn có xu hướng tăng trong những năm gần đây.
Trong khi theo báo cáo của Chính phủ trình Quốc hội tại kỳ họp thứ sáu (cuối năm 2013) thì số nợ đọng xây dựng cơ bản nguồn vốn ngân sách nhà nước và trái phiếu Chính phủ tính đến ngày 30/6/2013 là 43.358 tỷ đồng.
Bên cạnh nợ đọng, cơ quan thẩm tra còn chỉ ra nhiều tồn tại, hạn chế trong đầu tư xây dựng cơ bản kéo dài nhưng chậm được khắc phục như: thất thoát lãng phí trong đầu tư, hiệu quả đầu tư chưa cao, phê duyệt dự án trong khi chưa cân đối được nguồn vốn số lượng dự án khởi công mới.
Nhiều dự án không nằm trong quy hoạch tổng thể đầu tư phát triển ngành, lĩnh vực vẫn được quyết định đầu tư, nợ đọng xây dựng cơ bản, vốn ứng trước lớn…
Uỷ ban Tài chính - Ngân sách cũng nhìn nhận, việc thu hút nguồn vốn ngoài ngân sách cho các dự án đầu tư và thực hiện cơ chế hợp tác công tư (PPP) là một hướng đi đúng song cũng bộc lộ nhiều tiềm ẩn rủi ro trong tương lai. Như, quy mô một số dự án BT qúa lớn, vượt quá khả năng bố trí vốn, kiểm soát chi phí và chất lượng công trình còn thiếu chặt chẽ, một số dự án BOT thực hiện thiếu quy hoạch, năng lực tài chính của chủ đầu tư thấp.
Đối với các dự án giao thông, cơ quan thẩm tra cho rằng, việc thu phí và đặt các trạm thu phí có nơi chưa hợp lý, gây bức xúc trong dư luận xã hội. Việc quản lý sử dụng nguồn vốn nguồn vốn trái phiếu chính phủ, theo Uỷ ban còn nhiều hạn chế. Quản lý, sử dụng vốn vay ODA còn có mặt yếu kém, hiệu quả chưa cao…