Trung Quốc không hạ cánh cứng: Việt Nam vẫn phải lo

PGS.TS Nguyễn Huy Quý, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Trung Quốc nhận định như vậy khi trao đổi về tuyên bố kinh tế Trung Quốc sẽ không hạ cánh cứng của Ủy ban Cải cách và Phát triển quốc gia Trung Quốc.
PV: - Người đứng đầu Ủy ban Cải cách và Phát triển quốc gia Trung Quốc vừa khẳng định, kinh tế Trung Quốc chắc chắn sẽ không hạ cánh cứng (tăng trưởng giảm sâu đột ngột) và có khả năng cao chống lại nguy cơ này. Tuyên bố này được đưa ra trong bối cảnh có rất nhiều dự báo về cú hạ cánh cứng của Trung Quốc khi khối nợ khổng lồ, các doanh nghiệp quốc doanh cồng kềnh và vai trò bị hạn chế của các lực lượng thị trường đang tạo ra nhiều nguy cơ cho nền kinh tế Trung Quốc.
Theo ông, cơ sở để người đứng đầu Ủy ban Cải cách và Phát triển quốc gia Trung Quốc đưa ra tuyên bố này là gì hay đó chỉ đơn thuần là một lời trấn an các nhà đầu tư?
PGS.TS Nguyễn Huy Quý: - Điều này còn tùy theo diễn biến cụ thể của tình hình kinh tế Trung Quốc và bối cảnh kinh tế thế giới. Nhưng theo tôi, rất có khả năng Trung Quốc sẽ không hạ cánh cứng hoặc tăng trưởng giảm sâu đột ngột hay tăng trưởng gắn liền với lạm phát cao. Mặc dù quá trình phát triển kinh tế của Trung Quốc có nhiều khó khăn trong chặng đường sắp tới và có nhiều khả năng xảy ra, nhưng khả năng Trung Quốc vẫn giữ được tốc độ phát triển trung bình cao và không dẫn đến những cú sốc về lạm phát vẫn là lớn nhất. Nguyên nhân là vì:
Thứ nhất, về cơ bản việc cải cách chuyển đổi phương thức phát triển kinh tế của Trung Quốc là đúng hướng dù còn nhiều khó khăn và những giải pháp cụ thể còn có vấn đề.
Thứ hai, vấn đề khó khăn nhất của Trung Quốc hiện nay là quản lý tài chính và một số dao động trong tình hình tài chính Trung Quốc nhưng họ đã có trong tay nguồn dự trữ ngoại tệ khổng lồ, trước đây khoảng 4.000 tỷ USD và hiện nay còn hơn 3.200 tỷ USD. Do đó, trong ngắn hạn Trung Quốc có thể sử dụng tiềm lực này để can thiệp vào diễn biến tình hình tài chính, đảm bảo cho nền kinh tế phát triển ổn định.
Thứ ba, Trung Quốc có thị trường tiêu thụ trong nước dù trước mắt còn hạn chế nhưng có triển vọng ngày càng mở rộng vì dân số hơn 1,3 tỷ dân và khoảng 400-500 triệu cư dân trong tầng lớp trung lưu. Nó khác với các nước khác, ví dụ Hà Lan, Singapore... thị trường chủ yếu là đối ngoại. Trong năm 2015, xuất nhập khẩu của Trung Quốc sụt giảm nghiêm trọng nhưng thị trường tiêu thụ của họ không giảm đến mức như vậy.
Thứ tư, Trung Quốc là nước đang phát triển và việc tiến hành đô thị hóa, xây dựng nông thôn mới, xây dựng cơ sở hạ tầng... sẽ là động lực để duy trì phát triển. Các nước phát triển như Đức, Nhật, Thụy Sĩ... đã qua quá trình hiện đại hóa thì vấn đề xây dựng cơ sở hạ tầng không như ở Trung Quốc, Trung Quốc vẫn còn tiềm năng để phát triển lĩnh vực đó.
Thứ năm, hoạt động kinh tế đối ngoại hiện nay của Trung Quốc, cụ thể là chiến lược "Một vành đai, một con đường" gặp nhiều khó khăn nhưng nếu tình hình được cải thiện đó cũng là một động lực phát triển của kinh tế Trung Quốc. Trong khi hàng hóa xuất khẩu của Trung Quốc có khả năng tăng nhưng chậm do kinh tế thế giới phục hồi chậm chậm nhưng đầu tư ra ngoài lại phát triển rất nhanh. Hiện nay ngân hàng AIIB do Trung Quốc khởi xướng thành lập cũng đang hoạt động tương đối thuận lợi...
Tất cả các nhân tố khách quan đó cộng với nỗ lực chủ quan của Trung Quốc (ý đồ thực hiện giấc mộng Trung Hoa, đại phục hưng dân tộc Trung Hoa và đó cũng là sinh mệnh chính trị của ban lãnh đạo mới Trung Quốc, đứng đầu là Tập Cận Bình) nên từ nay đến năm 2020, Trung Quốc quyết tâm thực hiện hiệu quả quy hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm lần thứ 13.
Cho nên, dù còn hạn chế và có những vấn đề Trung Quốc phát triển không như ý muốn nhưng khả năng kinh tế Trung Quốc sụp đổ hay hạ cánh cứng như dự báo của một số chuyên gia kinh tế không cao bằng khả năng Trung Quốc duy trì được tốc độ phát triển từ 5-6,5% (trung bình cao).